Tôn giáo Mannheim

Tin Lành

Nhà thờ Dòng Tên ở khu phố A4

Tuyển hầu Ottheirich đưa Cải cách Kháng Cách vào vùng Kurpfalz vào năm 1556, sau khi người trước ông là Friedrich II đã có nhiều nỗ lực đáng kể về phương diện này 10 năm trước đó. Dưới thời của người kế thừa Ottheirich là Friedrich III, vùng Kurpfalz chuyển sang đạo Tin Lành từ năm 1561. Do thời gian thành lập thành phố Mannheim nằm trong thời kỳ của Cải cách Kháng Cách tại Kurpfalz nên thành phố mang nhiều ảnh hưởng của Tin Lành-Cải cách Kháng Cách.

Công giáo

Sau khi thành phố Mannheim được thành lập, giáo xứ Công giáo cũng tăng trưởng. Nhà thờ Công giáo lâu đời nhất là nhà thờ St.Sebastian ở tại Marktplatz, được hoàn thành trong năm 1723. Năm 1729 Tuyển hầu Karl III hiến 100.000 đồng tiền Gulden để xây dựng Nhà thờ Dòng Tên dùng làm nhà thờ của hoàng gia.

Đạo Do Thái

Nhà thờ đạo Do Thái đầu tiên ở Mannheim được xây dựng năm 1660. Nhằm để giúp thương mại và thủ công phát triển các tuyển hầu đã khuyến khích người Do Thái nhập cư với chính sách giảm thuế và cho đặc quyền về tự do nghề nghiệp, đặc biệt là sau khi thành phố bị tàn phá trong thế kỷ 17. Trong năm 1719, 10,6% dân số là người Do Thái. Đến năm 1895 cộng đồng Do Thái đã tăng lên đến 4.768 người. Thế nhưng dân số còn lại của Mannheim lại còn tăng trưởng nhanh hơn nên sau 1900 tỷ lệ người Do Thái chỉ còn vào khoảng 3%. Trong năm 1933 có 6.402 người Do Thái sống tại Mannheim, tạo thành cộng đồng người Do Thái lớn nhất của Baden.

Nhà thờ đạo Do Thái Mannheim ở khu phố F3

Vì nhiều đàn áp sau khi những người Đức Quốc xã lên nắm quyền, rất nhiều người Do Thái đã sớm rơi vào cảnh hoạn nạn. Ngay từ năm 1933, thị trưởng thuộc Đảng NSDAP đã cấm không cho phép giao hợp đồng về cho các doanh nghiệp Do Thái, các giảng viên đại học người Do Thái tại trường Đại học Thương mại bị cho nghỉ phép, Nhà hát Quốc gia sa thải các diễn viên là người Do Thái và các bác sĩ là người Do Thái không được phép làm việc theo phương thức thanh toán phí khám và chữa bệnh với các hãng bảo hiểm sức khỏe. Rất nhiều gia đình đã di dân ra nước ngoài, đặc biệt là đến Mỹ. Sau khi ba nhà thờ đạo Do Thái tại Mannheim bị tàn phá trong năm 1939, gần 2.000 người Do Thái, tức gần như tất cả những người Do Thái còn ở lại, bị đày về Gurs. Phần lớn những người này sau đó bị chuyển về trại tập trung ở Ba Lan và bị giết chết. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai chỉ có một ít những người di dân trở lại Mannheim. Mãi đến năm 1987 nhà thờ Do Thái mới được khánh thành. Trong năm 2005 có khoảng 600 người Do Thái cư ngụ tại Mannheim.

Đọc thêm: Cuộc sống người Do Thái tại Mannheim

Đạo Hồi

Nhà thờ đạo Hồi Yavuz Sultan Selim

Cùng với đợt công nhân khách thứ hai từ giữa thập niên 1960, nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ, và vì thế lần đầu tiên có nhiều người theo đạo Hồi đến Mannheim. Số này tăng lên đến 20.827 người trong năm 2004, chiếm 7% dân số Mannheim. Vì thế, Nhà thờ đạo Hồi Yavuz Sultan Selim được xây dựng tại Mannheim, cho đến thời điểm đó là nhà thờ đạo Hồi lớn nhất Đức có sức chứa 2.500 người đến cầu nguyện.